Trong 5 năm qua, thị trường bất động sản trong nước xuất hiện hàng loạt các “cơn sốt đất ảo”, với các quy mô to nhỏ khác nhau. Hiện tượng này xuất hiện khắp 3 miền, từ khu vực Đông Anh, Hoài Đức (Hà Nội); Vân Đồn (Quảng Ninh); Đà Nẵng – Quảng Nam; cho tới Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
Mới đây nhất, một lần nữa “sốt đất ảo” xuất hiện tại Bình Phước, sau khi có “tin đồn” tỉnh này chuẩn bị quy hoạch sân bay lưỡng dụng ở xã An Khương, huyện Hớn Quản.
Chỉ trong vài ngày xuất hiện “tin đồn”, giá đất nông nghiệp tại nhiều xã trong huyện, nhất là khu vực xã An Khương đã tăng theo chiều thẳng đứng, dao động từ 300% – 400%.
Ngay khi “sốt đất ảo” manh nha xuất hiện, UBND huyện Hớn Quản đã cảnh báo, đây chỉ là chiêu trò lừa đảo, thổi giá của giới đầu nậu, “cò” đất nhằm chuộc lợi bất chính. UBND huyện cũng khuyến cáo người dân nên cẩn trọng trước các chiêu trò này.
Mặc dù “sốt đất” xuất hiện bất thình lình, ở hầu hết các địa phương, thế nhưng, ghi nhận từ thực tế cho thấy, tần suất và số lượng “sốt đất” tại các tỉnh thành phía Nam nhiều hơn khu vực phía Bắc. Hầu hết, các tỉnh xung quanh TP.HCM đều “sốt” ít nhất vài lần, trong 2 năm qua.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, nhận định nêu trên chỉ đúng một phần.
Theo ông Điệp, thực tế cho thấy, tại thị trường miền Bắc, các tỉnh giáp ranh với Hà Nội như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương, hay Bắc Ninh đều đã trải qua nhiều đợt “sốt”, nếu tính từ thời điểm năm 2015 tới nay.
Tuy nhiên, hiện tượng “sốt đất” tại miền Bắc không tạo ra hiệu ứng phản cảm. Bởi, giá đất trong giai đoạn “sốt nóng” ở miền Bắc, không tăng đột biến tới 300% – 400% giống như cơn sốt ở Bình Phước.
Ông Điệp thừa nhận, các “cơn sốt” ở phía Nam thường có quy mô lớn hơn. Nguyên nhân là do các tỉnh xung quanh TP.HCM có cơ chế lỏng và thông thoáng hơn.
“Phía Nam do cơ chế lỏng hơn như: Cơ chế cấp sổ, các quy trình làm lỏng hơn, không chặt chẽ như ở phía Bắc. Hoặc có những thông tin đất dù chưa được bán nhưng chính quyền địa phương công khai giá, thoáng hơn về thông tin đất, cũng tạo ra điều kiện thuận lợi để sốt đất xuất hiện”, ông Điệp nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết: Xét dưới góc độ xu hướng đầu tư của người dân 2 miền, người miền Bắc có đặc điểm tích cóp, thích đầu tư vào các phân khúc có tính chất gia tăng giá trị lâu dài.
Trong khi đó, người miền Nam có mục đích sử dụng ngay lập tức, và chuộng xu hướng đầu tư “lướt sóng” hơn. Đây chính là yếu tố chủ chốt, để giới “cò” đất tích cực tạo “sóng” ở các tỉnh thành phía Nam, nhằm thu hút nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm rơi vào “bẫy sóng”.
Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, do việc thanh kiểm tra và nhiều vấn đề khác nên các dự án được phê duyệt mới rất ít, nên giá đất ở các tỉnh phía Nam bị đẩy lên rất cao. Đặc biệt, giá nhà ở, giá đất tại TP.HCM đã “vượt mặt” Hà Nội, đây là dấu hiệu bất thường, có thể là chiêu trò “thổi giá” của giới “cò” đất.
Đồng tình với các nhận định trên, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia bất động sản bình luận: Các “cơn sốt” tại phía Bắc thường dai dẳng và âm ỉ và Hòa Lạc chính là ví dụ điển hình cho nhận định này.
Ngược lại, các “cơn sốt” ở phía Nam thường diễn ra rất nhanh, nhưng rút cũng nhanh. Điều này cho thấy, thị trường phía Nam chính là “miếng mồi” ngon cho giới “cò” đất thi nhau “thổi giá”. Chỉ cần một “tin đồn” nhỏ, qua miệng “cò mồi” sẽ bùng thành “cơn sốt” rất nhanh.
Dù vậy, ông Tuấn cảnh báo, nhà đầu tư nên tỉnh táo trước các “cơn sốt đất”, nhất là “sốt” theo tin đồn. Bởi, các cơn “sốt” này không đem lại giá trị bền vững.
“Chỉ có vài thông tin về quy hoạch mà đất lên giá là không bình thường, thậm chí là có rủi ro, trả giá, nên các nhà đầu tư khi đầu tư cần hết sức thận trọng, tìm hiểu thật kỹ”, vị chuyên gia này cho biết.
Lâm Vũ